Trong hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, Việt Nam một quốc gia luôn nhỏ bé mà luôn phải đương đầu với những thế lực ngoại bang hung hãn, tàn bạo. Nhưng với quyết tâm “Nước mất thì nhà tan”, “không có gì quý hơn độc lập, tự do”, nhân dân ta đã lần lượt đánh bại mọi kẻ thù xâm lăng, dù chúng có hùng mạnh, hung bạo đến đâu nhưng cuối cùng cũng thất bại, dân tộc ta là người chiến thắng sau cùng và sau đây xin được giới thiệu 10 chiến thắng vĩ đại nhất của nhân dân Việt Nam trong hàng ngàn năm lịch sử ấy.
Trước khi tử trận trên sông Bạch Đằng năm 938, Lưu Hoằng Tháo không thể tưởng tượng việc quân dân người Việt do Ngô Quyền lãnh đạo sẽ tận dụng quy luật thủy triều để biến những bãi cọc ngầm cắm dưới lòng sông thành thứ vũ khí hủy diệt có sức mạnh kinh hồn. Thảm bại trong trận Bạch Đằng, quân Nam Hán đã phải bỏ mộng xâm chiếm nước Việt.
Năm 1075, trước âm mưu xâm lược của nhà Tống, vua quan nhà Lý đã đưa ra chủ trương “”Tiên phát chế nhân””, đem quân sang đất địch đánh trước để chặn thế mạnh của chúng. Lý Thường Kiệt đã chỉ huy 40.000 quân đánh các châu Khâm, Liêm trên đất Tống, hạ hàng loạt thành lũy, hủy hoại nặng nề sinh lực của quân Tống, khiến kế hoạch xâm lược của chúng bị trì hoãn, tạo điều kiện cho quân ta củng cố lực lượng và giành thắng lợi trong cuộc quyết chiến sau này.
Trên sông Bạch Đằng năm 1288, chiến thuật chôn cọc gỗ kinh điển mà Ngô Quyền sử dụng 350 năm trước lại được Trần Hưng Đạo Trần Quốc Tuấn tái hiện. Trong trận thủy chiến được đánh giá là lớn nhất lịch sử dân tộc này, quân Đại Việt đã đánh bại hoàn toàn quân xâm lược Nguyên Mông – đội quân thiện chiến nhất thế giới thời đó.
Mùa hè 1643, Công ty Đông Ấn Hà Lan – thế lực hải quân hùng mạnh bậc nhất thế giới lúc đó – phái 3 pháo hạm mạnh hội quân với họ Trịnh tại sông Gianh (Quảng Bình). Trong hải trình, hạm đội này đã bị gió thổi dạt vào gần cảng Eo ở Đàng Trong (Thừa Thiên – Huế). Dù có ý kiến can ngăn vì sợ người Hà Lan, chúa Nguyễn vẫn đưa 50 thuyền chặn đánh quyết liệt, tiêu diệt chiến hạm lớn nhất của kẻ thù, khiến hai chiến hạm còn lại bỏ chạy. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử người Việt chiến thắng một hạm đội châu Âu, đồng thời cũng là một sự tổn thương nặng nề đối với thanh thế của Công ty Đông Ấn Hà Lan.
Cuộc Bắc tiến đại phá quân Thanh do Hoàng đế Quang Trung tiến hành cuối năm 1788, đầu năm 1789 được coi là một cuộc hành quân thần tốc khó tin trong lịch sử dân tộc. Từ Phú Xuân (Huế), Hoàng đế Quang Trung chỉ mất 40 ngày (trong đó có 10 ngày dừng lại tại Nghệ An tuyển quân) đưa đại quân tiến về Thăng Long đánh đuổi quân Thanh. Do không thể tin quân Tây Sơn có thể tiến nhanh như vậy, quân xâm lược đã hoàn toàn mất cảnh giác và phải chịu sự thảm bại nặng nề.
Trong trận đại thủy chiến ở đầm Thị Nại diễn ra giữa quân Tây Sơn và chúa Nguyễn vào năm 1801, quân Nguyễn đã sử dụng lối đánh tập kích thọc sâu bất ngờ và đòn hỏa công tương tự trận Xích Bích diễn ra ở Trung Hoa 16 thế kỷ trước để hủy diệt hạm đội khổng lồ, tưởng như không thể nào bị đánh bại của quân Tây Sơn. Với thất bại này, thủy quân Tây Sơn hầu như đã sụp đổ hoàn toàn, nhường cho nhà Nguyễn nắm giữ quyền kiểm soát vùng biển.
Người Pháp từng tin rằng căn cứ Điện Biên Phủ là một pháo đài không thể công phá. Tuy vậy, bằng tài năng quân sự tuyệt vời của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã biến niềm tin của họ trở thành sự tuyệt vọng với chiến thắng của Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.
Trước khi cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968 nổ ra, ngay cả những người Mỹ có trí tượng tượng phong phú nhất cũng không thể hình dung nổi cảnh các chiến sĩ Giải phóng đánh trực diện vào các địa điểm trọng yếu tại Sài Gòn như Toà Đại sứ quán Mỹ, dinh Tổng thống, đài phát thanh, bộ Tổng tham mưu, sân bay Tân Sơn Nhất… Chiến dịch quân sự này đã gây tiếng vang lớn, tạo bước đột phá buộc Mỹ xuống thang chiến tranh đi vào đàm phán.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không tháng 12/1972, lực lượng phòng không – không quân của miền Bắc Việt Nam đã làm được điều mà người Mỹ không thể tin nổi: Bắn hạ 34 “siêu pháo đài bay” B-52, đập tan hoàn toàn mưu đồ kéo dài chiến tranh của Mỹ và buộc họ phải quay trở lại bàn đàm phán tại Paris.
Cuối tháng 9/1974, Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương họp tại Hà Nội đã đưa ra bản dự thảo kế hoạch chiến lược Chiến dịch mùa xuân 1975, dự định hoàn thành việc thống nhất 2 miền Bắc – Nam trong 2 năm 1975-1976. Tuy vậy, với tinh thần “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa”, chiến dịch Mùa Xuân 1975 đã được tiến hành khẩn trương và quyết đoán, đem lại chiến thắng cuối cùng cho dân tộc vào ngày 30/4/1975.
Làng Quỳnh