Chiếc xe đạp thồ từ một sáng kiến của nhân dân trong cuộc sống bình thường đã góp phần không nhỏ vào chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954.
Mỗi chiếc xe đạp thồ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ được gia cố vào khung một đoạn tre hoặc gỗ, các nan hoa 2 bánh được kẹp thêm tre, ở đầu và giữa xe có 2 khúc tre, một khúc dài phía trước làm tay lái, khúc lớn hơn dựng dọc thân xe để giữ thăng bằng và thắng phanh.
Trên bầu trời hàng chục chiếc máy bay trinh sát và ném bom của Pháp quần đảo hòng tìm ra những tuyến đường vận tải đang dồn lên Điện Biên Phủ, nhưng không thể phát hiện được phía bên dưới kia, trong những khu rừng rậm rạp, trên những con đường nhỏ với hàng ngàn con người, dắt theo những chiếc xe đạp trên thân nó cõng hàng trăm ký lương thực… “Xe đạp thồ” là một danh từ ra đời từ mặt trận Điện Biên Phủ. Nó đã góp phần quan trọng vào chiến thắng, trở thành ngôi vua vận tải cho trận đánh lớn này. Có lẽ vì thế mà chiếc tay cầm nối dài được gọi là “tay ngai” (chỉ có vua mới có ngai).
Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: “Mỗi xe thồ lúc đầu chở được 100 kg sau đó nâng lên 200 kg, 300 kg. Năng suất xe thồ gấp 10 lần dân công gánh bộ. Gạo ăn dọc đường cho người chuyên chở cũng giảm đi 10 lần”. Như vậy 1 dân công với chiếc xe đạp thồ bằng 100 dân công gánh bộ. Chỉ tính riêng đội quân xe đạp thồ (hơn 2 vạn) đã đông hơn số quân chủ lực. Đã có hai vạn chiếc xe đạp được dùng để thồ lương thực và trở thành một loại “vũ khí đặc biệt” của Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Trong chiến thắng vĩ đại ấy, không thể không nhắc tới sự đóng góp của những chàng trai, cô gái dân công hỏa tuyến với những chiếc xe đạp thồ chở hàng ngàn tấn lương thực vào chiến trường.
Những chiếc xe thồ đã làm nên con đường vận tải “huyền thoại”, góp phần vào chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử. Không một người Pháp nào khi đó có thể ngờ tới một chiếc xe đạp do chính họ sản xuất khi được gia cố lại toàn bộ từ vành, săm, lốp, nan hoa tới cả tay cầm đã trở thành loại phương tiện có sức chở ghê gớm đến vây.
LQ st