Cách đây 112 năm, ngày 5/6/1911, mới chỉ 21 tuổi đời, người thanh niên Nguyễn Tất Thành, với tên Văn Ba, rời cảng Sài Gòn đi ra nước ngoài để thực hiện khát vọng tìm đường cứu dân, cứu nước. Mốc thời gian Nguyễn Ái Quốc-Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước là sự kiện đặc biệt, là bước chuyển căn bản của Nguyễn Ái Quốc, có tác động hết sức to lớn, có tính chất quyết định đối với tiến trình lịch sử Việt Nam trong thế kỷ XX và cả hiện tại lẫn tương lai.
Sinh ra và lớn lên trong một giai đoạn đầy biến động của đất nước; đất nước dưới ách thống trị của thực dân Pháp, các phong trào cứu nước giải phóng dân tộc đứng trước một cuộc khủng hoảng, bế tắc cả về lý luận, đường lối và phương thức đấu tranh. Làm thế nào để đánh đuổi được chủ nghĩa thực dân xâm lược, giành lại độc lập cho Tổ quốc, tự do cho đồng bào? Câu hỏi đó ngày đêm nung nấu, day dứt tâm can lớp thanh niên yêu nước thế hệ Nguyễn Tất Thành lúc bấy giờ.
Với nhạy cảm chính trị của một trí tuệ hiếm có, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã có được dự cảm nhất định về sự chuyển biến của thời đại. Kẻ xâm lược mới đến từ phương Tây, mang theo sức mạnh của văn minh phương Tây. Muốn thắng được họ, phải đi tìm một con đường khác. Đó là con đường nào? Ở tuổi 20, người thanh niên ấy chưa thể trả lời ngay được, nhưng sự lựa chọn đầu tiên là ngược với làn sóng Đông du, một mình đi sang phương Tây, nơi sớm nổ ra các cuộc cách mạng dân chủ tư sản, nơi các trào lưu tư tưởng tự do dân chủ và khoa học kỹ thuật đang phát triển mạnh mẽ. Phải ra đi xem xét họ làm ăn thế nào để trở về giúp đồng bào. Khát vọng đó của Người đã nảy nở từ rất sớm và lớn dần lên theo năm tháng.
Để rồi, ngày 5/6/1911, với tên mới Văn Ba, người thanh niên Nguyễn Tất Thành theo tàu rời nước ra đi. Không khoác áo thân sĩ, ra đi trong tư cách một người lao động, với một ý chí mãnh liệt, một nghị lực phi thường, một mình tiến hành cuộc trường chinh 30 năm đi tìm con đường cứu nước, giải phóng dân tộc.
Sau này, trong một lần trò chuyện với nhà báo Mỹ Anna Louise Strong, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “ Nhân dân Việt Nam, trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi nhau: ai là người sẽ giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp? Người này nghĩ là Nhật, người khác nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ. Tôi thấy phải ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi”.
Hành trình của người thanh niên yêu nước ấy đã hình thành nên chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh; từ đó mở ra cho dân tộc Việt Nam một con đường tiến tới độc lập, tự do. Đó còn là một hành trình nhân văn, ở đó, tấm gương về lòng dũng cảm, đức hy sinh của Nguyễn Tất Thành-Nguyễn Ái Quốc-Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi khắc ghi trong lòng mỗi người dân Việt Nam.
Làng Quỳnh St