Thời kỳ ngoại giao Việt Nam đa phương hóa, đa dạng hóa theo tư duy mới

11-01-2022 Hồ Diên Lợi

 PGS. TS. HÀ MINH HỒNG

Baoquocte.vn. Ngoại giao Việt Nam hiện đại từ khi nền dân chủ cộng hòa được thành lập đến nay, về cơ bản có 3 thời kỳ phát triển; mỗi thời kỳ có ngắn dài về thời gian và khác nhau về cách thức, nhưng đều chung một tiến trình đa phương hóa, đa dạng hóa. Thực tế lịch sử cho thấy, ngay sau Cách mạng tháng Tám, trong Lời kêu gọi Liên hợp quốc (1946) Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ nguyên tắc trong chính sách đối ngoại của Việt Nam “Đối với các nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực […] Việt Nam chấp nhận tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên hợp quốc”[1]. trong Lời kêu gọi Liên hợp quốc (1946) Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ nguyên tắc trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.

Ngày 14/1/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên bố với chính phủ các nước trên thế giới: “Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao với Chính phủ nước nào trọng quyền bình đẳng, chủ quyền lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của nước Việt Nam, để cùng nhau bảo vệ hoà bình và xây đắp dân chủ thế giới”[2]. Đây là cách thức Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sớm tự xác lập nền ngoại giao đa phương hóa, đa dạng hóa phù hợp với tình hình và bản chất mới của thế giới chuyển biến nhanh chóng, toàn diện sau chiến tranh thế giới lần thứ II.

Chính nhờ xác định như thế, cho nên dù lúc còn non trẻ trong thế nước “ngàn cân treo sợi tóc”, hay khi đủ sức làm nên những thắng lợi “lừng lẫy năm châu”, “chấn động địa cầu”, cũng như suốt 30 năm kháng chiến trường kỳ, Việt Nam không chỉ thiết lập và không ngừng mở rộng quan hệ ngoại giao với hàng chục nước trong và ngoài hệ thống xã hội chủ nghĩa; mà còn nhận được ngày càng nhiều sự đoàn kết, giúp đỡ, ủng hộ của các nước anh em, các nước bầu bạn và nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới.

Việt Nam trở thành bộ phận hữu cơ, một ngọn cờ tiên phong của phong trào giải phóng dân tộc và phong trào hòa bình, dân chủ thế giới thế kỷ XX; đối ngoại vì “hoà bình và xây đắp dân chủ thế giới” đã làm thành sức mạnh thời đại, hợp với sức mạnh dân tộc “dựa vào sức mình là chính”, làm nên thắng lợi ngày 30/4/1975.

Sau năm 1975, thế giới sau chiến tranh Việt Nam tiếp tục chuyển biến nhanh chóng và toàn diện, nhất là từ khi kết thúc “Chiến tranh Lạnh”, trật tự lưỡng cực bị phá bỏ và một thế giới đa cực hình thành. Việt Nam vượt qua tình thế khó khăn hiểm nghèo 10 năm (1975-1985) để bước vào công cuộc “Đổi mới”, từng bước xây dựng và phát triển trong thế giới đa cực.

Một thời kỳ mới của ngoại giao Việt Nam đa phương hóa, đa dạng hóa đã hiện hữu như một thực thể logic và tất yếu. Không củng cố quan hệ đối ngoại theo mô hình “hòn đá tảng”[3] nữa; không chỉ chăm chút cho quan hệ “anh em”, láng giềng nữa; cùng với thế và lực mới của quốc gia dân tộc ngày càng được tăng cường, Việt Nam từng bước “là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới”[4].

Bằng việc thiết lập quan hệ đối ngoại với 189/193 quốc gia thành viên LHQ, trong đó có 30 đối tác chiến lược, đối tác toàn diện (gồm tất cả các nước lớn và 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc), ngoại giao Việt Nam từng bước “mở rộng và đi vào chiều sâu, tạo khung khổ quan hệ ổn định và bền vững với các đối tác. Chủ động tham gia xây dựng các nguyên tắc, chuẩn mực trong các thể chế đa phương khu vực và toàn cầu; xử lý đúng đắn, hiệu quả quan hệ với các nước láng giềng, các nước lớn, các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và các đối tác khác”[5].

Không chỉ giữ vững độc lập, tự chủ, thế mạnh của đất nước được phát huy, Việt Nam từng bước hội nhập quốc tế, hiểu được cách xử lý các mối quan hệ quốc tế; uy tín, tiếng nói của Việt Nam được bạn bè, đối tác trong khu vực và trên thế giới tôn trọng.

Việt Nam hoàn thành tốt vai trò kép 3 trọng trách: Chủ tịch ASEAN 2020, Chủ tịch Đại hội đồng Liên nghị viện ASEAN 2020, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ 2020-2021.

Bước vào thập niên 20 của thế kỷ XXI, một thời kỳ mới của quá trình chuyển biến phát triển đã bắt đầu. Đó là khi thế giới đã và đang trải qua những biến động to lớn, tình hình quốc tế và khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Mặc dù hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là các xu thế lớn, nhưng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn tiếp tục ảnh hưởng mạnh mẽ đến quan hệ quốc tế. Việc ứng phó với đại dịch Covid-19 tác động nhanh và toàn diện đến quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu…

Cũng hiện hữu một thời kỳ mới cho Việt Nam xây dựng và phát triển đất nước, nhất là khi xác định rõ các mốc lịch sử trăm năm trọng đại 2030, 2045. Trong bàn cờ địa – chiến lược, địa – kinh tế ở khu vực, Việt Nam đã và đang giữ cân bằng trong quan hệ với các nước để trở thành nhân tố ngày càng quan trọng trong chiến lược khu vực và toàn cầu của các nước lớn, cơ hội và thách thức đối với đất nước ngày càng nhiều.   Việt Nam đã giải quyết hàng loạt nhiệm vụ có tính “vạn sự khởi đầu nan”, ảnh hưởng lớn đến thời kỳ phát triển mới. Đáng kể nhất là: Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu, trở thành mắt xích của nhiều liên kết kinh tế lớn, quan trọng ở khu vực và liên khu vực; Việt Nam chuyển từ vị thế tham gia các cơ chế, khuôn khổ do các nước khác dẫn dắt, sang vị thế cùng khởi xướng và kiến tạo cơ chế mới, sân chơi mới. Việt Nam hoàn thành tốt vai trò kép 3 trọng trách: Chủ tịch ASEAN 2020, Chủ tịch Đại hội đồng Liên nghị viện ASEAN 2020, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ 2020-2021.

Trong bối cảnh ấy, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra định hướng phát triển của Việt Nam giai đoạn 2021- 2030 nêu rõ: “Tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam”[6].

Ngoại giao Việt Nam một lần nữa nhận thức vấn đề đa phương hóa, đa dạng hóa theo tư duy mới. Việc nhận diện trong thách thức luôn có cơ hội, vai trò tiên phong của đối ngoại; việc xác định lợi ích tối cao của quốc gia – dân tộc; đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương; việc xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột (đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân)… được coi là những vấn đề mới trong nhận thức thực tiễn.

Trong bài viết ngày 5/4/2021 với nhan đề “Đường lối đối ngoại Đại hội XIII với khát vọng phát triển của đất nước”, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh tư duy về đối ngoại song phương và đa phương trong Văn kiện Đại hội XIII có những bước phát triển mới.

Người đứng đầu ngành ngoại giao Việt Nam từng phân tích theo cách xác định yêu cầu nhiệm vụ: “cần tiếp tục đưa các mối quan hệ đối ngoại song phương đi vào chiều sâu”, cần “tạo thế đan xen lợi ích” và “tăng độ tin cậy” trong quan hệ song phương; cần “chủ động tham gia, tích cực đóng góp, nâng cao vai trò của Việt Nam trong xây dựng, định hình các thể chế đa phương và trật tự chính trị – kinh tế quốc tế”[7].

Như vậy, đã có cơ sở thực tiễn để đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại song phương và đa phương, đã có tiền lệ chủ động tham gia và phát huy vai trò của Việt Nam trong nhiều cơ chế quốc tế; do đó mục tiêu của đối ngoại đa phương: “nỗ lực vươn lên đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt hoặc hòa giải tại các diễn đàn, tổ chức đa phương có tầm quan trọng chiến lược đối với đất nước”[8], như Chỉ thị 25 xác định vừa tầm và khả thi. Nhiệm vụ “giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để tạo tiền đề thuận lợi cho việc hiện thức hóa khát vọng phát triển”, cũng đủ “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để đạt được mục tiêu “tạo nền tảng” cho Việt Nam “trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045”[9].

*Tác giả PGS. TS. Hà Minh Hồng thuộc Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh.

[1] Hồ Chí Minh Toàn tập Tập 4. Nxb CTQG H.2011 trang 523

[2] Hồ Chí Minh Toàn tập Tập 6. Nxb CTQG H.2011 trang 311

[3] Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ V (1982) khẳng định “Đoàn kết và hợp tác toàn diện với Liên Xô luôn luôn là hòn đá tảng của chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta”. Văn kiện đảng toàn tập, NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.43, tr.142

[4] Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI. Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr 84

[5] Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII [6] Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII

[7] Bùi Thanh Sơn, Đường lối đối ngoại Đại hội XIII với khát vọng phát triển của đất nước

[8] Chỉ thị số 25-CT/TW (ngày 8-8-2018) của Ban Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030

[9] Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII

Bài viết khác