“Ôi, buổi trưa nay, tuyệt trần nắng đẹp
Bác Hồ ơi! Toàn thắng về ta
Chúng con đến, xanh ngời ánh thép
Thành phố tên Người, lộng lẫy cờ hoa…”
(Tố Hữu)
Ngày 30/4/1975, những chiếc xe tăng của quân đội ta tiến vào dinh độc lập. Lá cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay, là lúc Bắc-Nam sum họp một nhà; là khi ước mơ về độc lập tự do, hạnh phúc của dân tộc Việt Nam trở thành hiện thực. Khi nhận tin báo Sài Gòn được giải phóng, không ai nói ai, tung nón, nhảy lên reo hò sung sướng. Người đổ xuống đường hồ hởi đón quân giải phóng. Người dân mang cờ tổ quốc tràn ra khắp đường phố, tạo thành những dòng người đổ về trung tâm.
30 năm kề từ ngày Cách mạng tháng 8/1945 thành công, cả dân tộc đã kiên cường chiến đấu, hy sinh để đi đến thắng lợi trọn vẹn, thắng lợi của bản lĩnh và trì tuệ Việt Nam. Giây phút đó, thời khắc đó thiêng liêng và trọng đại, không có cảm xúc nào lớn hơn. Những nụ cười mãn nguyện như ôm trọn niềm vui ngày đại thắng. Miền Nam được giải phóng. Đất nước đã thống nhất. Cuộc kháng chiến trường chinh của toàn dân tộc đã kết thúc thắng lợi. Điệp khúc ấy cứ ngân vang, lan tỏa khắp cả nước và kéo dài đến tận hôm nay và mai sau.
Trong niềm vui của ngày đất nước thống nhất, vẫn khắc sâu trong trái tim mỗi người dân Việt và các thế hệ mai sau tấm gương chiến đấu, sự hy sinh của cán bộ, đảng viên, những người con ưu tú, hiếu trung đã ngã xuống, vĩnh viễn nằm lại trong lòng đất mẹ; hàng ngàn cán bộ, đảng viên và nhân dân bị bắt, bị tra tấn, tù đày trong các nhà tù của đế quốc cùng bao đồng bào bị giết hại, tàn tật, bị nhiễm chất độc do kẻ thù gây ra…trong những năm chiến tranh.
Trong những ngày này, về với Củ Chi. Về với các khu di tích địa đạo Bến Dược, nghĩa trang chính sách huyện ở xã An Nhơn Tây, nghĩa trang Thành phố ở xã Phú Hòa Đông,… về để được biết ơn, tri ân những gì ta có hôm nay là sự kết tinh xương máu cha ông ta đi trước và về để chứng kiến những giọt nước mắt, những nụ cười, những cái ôm thân thương đến nao lòng của những người còn sống với nhau, của những người sống và người nằm xuống cách đây nữa thế kỷ có lẻ… 47 năm sau ngày đất nước thống nhất, ký ức của thời gian vẫn còn vẹn nguyên trên từng khuôn mặt, trong từng câu chuyện kể.
Củ Chi yêu thương – mảnh đất nằm ở cửa ngõ huyết mạch phía Tây bắc Thành phố Hồ Chí Minh. Củ Chi là nơi gặp gỡ, chuyển tiếp giữa địa hình rừng núi Đông Nam Bộ và khu vực đồng bằng Tây Nam Bộ. Ở nơi đó có dòng sông Sài Gòn chảy ngang qua, lắng sâu vào lòng sông bao huyền thoại mở đất, cùng những chiến tích mở đất lừng lẫy một thời đánh giặc, giữ nước của người miền đông Nam bộ gian lao mà anh dũng. Ở đó có Địa đạo đã trở thành huyền thoại và là một kỳ tích trong lịch sử chiến tranh chống kẻ thù xâm lược, với hơn 200km chiều dài của một hệ thống đường hầm vô cùng quy mô, phức tạp và cũng hết sức khoa học, để từ đó chống lại một kẻ địch có sức mạnh quân sự lớn nhất thời đại. Nơi đây còn chứng kiến bao nhiêu cuộc chiến, trải qua những thăng trầm của lịch sử dân tộc. Mỗi tên đất, tên người của Củ Chi gắn liền với những chiến công lịch sử hào hùng trong 02 cuộc kháng chiến cứu nước giải phóng quê hương. Qua mấy chục năm chiến đấu, hy sinh, quân và dân Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định nói chung và quân dân Củ Chi nói riêng đã làm nên một biểu tượng vĩ đại của Chủ nghĩa Anh hùng cách mạng Việt Nam; viết nên một trong những trang vàng của lịch sử chiến tranh giữ nước của dân tộc. Đó là biểu tượng của tinh thần yêu nước, của lòng căm thù giặc, của ý chí kiên trung, bất khuất, của sự mưu trí, sáng tạo và sức mạnh đoàn kết vô song. Và cũng thấy rất rõ rằng chính lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết đã tạo nên sức mạnh làm nên những chiến thắng lịch sử huy hoàng, để cả thế giới phải khâm phục.
Mỗi lần kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là thêm một lần bồi đắp cho thế hệ mai sau sự tự hào và lòng biết ơn trước những hy sinh to lớn của các anh hùng, các thế hệ cha ông ta đã chiến đấu anh dũng vì độc lập tự do và thống nhất Tổ quốc. Chúng ta càng tự hào, tin tưởng vào sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam, tin vào tinh thần quật cường bất khuất và trí thông minh, sáng tạo của dân tộc ta, của quân đội ta dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Bác Hồ kính yêu.
Mừng ngày Tết độc lập, thống nhất, trong mỗi người chúng ta lại dâng trào một cảm xúc, nhưng chung nhất đó là sự tự hào; nhắc nhớ về quá khứ, về một thời “oanh liệt” để rồi thêm một lần khẳng định quyết tâm phấn đấu, đóng góp sức mình xây dựng, bảo vệ thành quả của đất nước, quê hương. 47 năm đã qua đi kể từ ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Quê hương Củ Chi ngày càng phát triển… Từng con đường, ngõ hẻm lại rực rỡ màu cờ đỏ, lòng người lại vang vọng những bài ca thống nhất.
Xuân Lưu