“MI LÀM RỨA, RĂNG MỆ LẤY TIỀN MI…”

25-07-2022 Làng Quỳnh

Có lẽ hàng năm mỗi khi ngày thương binh liệt sỹ về nhân dân cả nước lại không nguôi nhớ về những cống hiến tuổi 20 của cha anh mình đã ngã xuống cho nền độc lập tự do của đất nước bằng những hành động thực tế, trong đó có không thể không kể đến lẽ thả hoa đăng trên dòng sông Thạch Hãn – Thành cổ Quảng Trị.

          Nhà thơ Lê Bá Dương, cựu chiến binh tham gia vào trận chiến Thành cổ 81 ngày đêm máu và lửa, ở đó có một Thạch Hãn nhuốm đỏ máu tươi, một Thành Cổ ngày đêm rên xiết tiếng bom đạn, một Quảng Trị đầy máu, đầy lửa và đầy sự hy sinh; chính ông vừa cầm súng chiến đấu, vừa là người chứng kiến hàng nghìn đồng đội của mình quyết tử cho tổ quốc quyết sinh, lần lượt đi tìm bí mật trong lòng đất để có hòa bình đất nước hôm nay.

         Cho nên từ năm 1987, cứ đến ngày 27/7 ông lại trở về Thành cổ, về với dòng sông Thạch Hãn hiền hòa và thơ mộng để thả xuống dòng sông những đóa hoa tươi, những nén nhang thơm tri ân tới đồng đội mình, vừa làm lễ ông lại vừa đọc cho đồng đội nghe những vần thơ do mình sáng tác:

“Đò lên Thạch Hãn ơi!… chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm.”

          Vào rạng sáng ngày 27/7/1987, một mình nhà thơ Lê Bá Dương ra chợ mua hết hoa rồi thuê người chở xuống bến sông. Tại đây, ông thuê một con đò của một bà mẹ ngư dân với giá 8.000 đồng/giờ để đi thả hoa trên sông. Thả hoa xong, vừa đúng 4 giờ thuê đò, ông lấy tiền trả cho bà mẹ thì bất ngờ mẹ quỳ sụp xuống lạy và khóc: “Mi làm rứa, răng mệ lấy tiền mi…”. Rồi hai mẹ con cùng khóc trước sự sững sờ của những người bạn của ông vừa ào ra bến thuyền và rồi họ cũng đã khóc vì hình ảnh quá xúc động này.

         Thì ra hôm đó tại hội trường, trong lễ kỷ niệm Ngày thương binh liệt sĩ, mọi người bàn nhau đi mua hoa để viếng nghĩa trang. Khi ra chợ thì hoa không còn, hỏi thì mấy chị bán hoa nói có anh bộ đội nào đó đã mua hoa rồi vừa đi vừa khóc ra phía bờ sông, mấy người bạn đoán ngay là Lê Bá Dương liền vội lao ra sông.

         Sau chuyện này những người bạn Lê Bá Dương ở Triệu Hải cứ đến dịp 27 tháng 7 năm nào cũng mua hương hoa ra thả. Lâu dần thành nét văn hóa độc đáo của người dân ở hai bên bờ Thạch Hãn và của mỗi người dân Quảng Trị và những người lính từng sống và chiến đấu trong mùa hè 1972 này.

Hàng trăm cựu chiến binh thả những ngọn hoa đăng xuống dòng Thạch Hãn

Hàng năm có hàng trăm cựu chiến binh thả những ngọn hoa đăng xuống dòng Thạch Hãn tri ân đồng đội    

        Mỗi chúng ta hôm nay, hãy lắng lòng lại để thời gian ngưng đọng, để có thể thu lại những hình ảnh thực nhất của Quảng Trị, của dòng Thạch Hãn, của Thành Cổ để sống lại một mùa hè 1972 rực lửa, hào hùng. Và cùng tri ân trước những hi sinh to lớn của các thế hệ cha anh đi trước bằng tất cả trái tim của người hậu thế để có trách nhiệm hơn trong sự nghiệp bảo vệ nền hòa bình, độc lập, tự do của đất nước ta ngày hôm nay.

Làng Quỳnh

Bài viết khác