CHIẾN THẮNG LỊCH SỬ 30/4/1975 CỦA NHÂN DÂN VIỆT NAM – BIỂU TƯỢNG SÁNG NGỜI VỀ SỰ TOÀN THẮNG CỦA CHỦ NGHĨA ANH HÙNG CÁCH MẠNG VÀ TRÍ TUỆ CON NGƯỜI

30-04-2022 Làng Quỳnh

       Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mà đỉnh cao là Đại thắng mùa Xuân 1975 đã mở ra kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam – kỷ nguyên đất nước độc lập, thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội. Đó là sự thật không gì có thể bác bỏ và phủ nhận được. Thế nhưng, hàng năm cứ đến dịp kỷ niệm Ngày chiến thắng 30-4, thì trên một số trang mạng xã hội lại xuất hiện những bài viết xuyên tạc, bôi nhọ, bóp méo giá trị lịch sử Ngày chiến thắng.

       Cách đây 47 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, mở đầu bằng chiến thắng Buôn Ma Thuột và Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Huế – Đà Nẵng, cuối cùng là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng. Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, lá cờ cách mạng tung bay trên phủ Tổng thống ngụy quyền, TP. Sài Gòn và cả miền Nam được giải phóng.

       Chiến thắng ngày 30-4-1975 là thành quả vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội; là trang sử hào hùng, chói lọi trên con đường dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm lịch sử của dân tộc Việt Nam; chấm dứt ách thống trị hơn một thế kỷ của chủ nghĩa thực dân cũ và mới trên đất nước ta; là thắng lợi tiêu biểu của lực lượng cách mạng thế giới, góp phần thúc đẩy cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì mục tiêu độc lập dân tộc, hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội; cổ vũ, động viên các dân tộc đang tiến hành công cuộc giải phóng dân tộc, chống chủ nghĩa thực dân kiểu mới trên toàn thế giới. Thắng lợi này đã đi vào lịch sử nước ta và của thế giới, như một trang sử chói lọi ở những năm 70 của thế kỷ XX, mang tầm quốc tế, tầm thời đại sâu sắc.

       Đại thắng mùa Xuân 1975 đã chứng minh trí tuệ và tài thao lược của Đảng ta trong lãnh đạo và chỉ đạo chiến tranh cách mạng – nhân tố quyết định làm nên kỳ tích đó chính là sự lãnh đạo đúng đắn, tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Đó là sự thật không gì có thể bác bỏ và phủ nhận được.

       Khẳng định những giá trị sâu sắc của Đại thắng mùa Xuân năm 1975, các thế hệ người Việt Nam càng cảm nhận đầy đủ, sâu sắc và biết ơn sự mất mát, hy sinh to lớn của dân tộc Việt Nam không gì bù đắp được. Đó là, gần 2 triệu thường dân chết; hơn 2 triệu thường dân mang thương tật suốt đời; khoảng 2 triệu người (gồm cả quân nhân) phơi nhiễm các loại hóa chất độc hại; có khoảng 1,1 triệu quân nhân hy sinh trong những trường hợp khác nhau (trực tiếp chiến đấu trên chiến trường, gặp tai nạn, ốm đau trên đường hành quân), 600.000 quân nhân bị thương hoặc bị bệnh. Trong số hy sinh, có 300.000 quân nhân chưa tìm được hài cốt…

       Dù chiến tranh đã lùi xa nhưng hậu quả của nó vẫn còn kéo dài, những vết thương trên cơ thể những cựu chiến binh, dân thường, những bệnh tật và dị tật của nạn nhân chất độc hóa học hành hạ hàng giờ, hàng ngày; nhiều vùng đất bị nhiễm độc hoặc có bom mìn còn sót lại; tình trạng trẻ em bị dị dạng ngay từ khi mới sinh ra, do cha mẹ của chúng bị phơi nhiễm chất da cam; hàng triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm dioxin trong chiến tranh… Nhân dân Việt Nam vẫn đang phải gồng sức, vật lộn với hậu quả khắc nghiệt của chiến tranh. Nhưng vấn đề vẫn còn ở phía trước.

       Lịch sử phải được tôn trọng và được đánh giá khách quan, trung thực. Không thể phủ nhận, coi thường những hy sinh, mất mát to lớn của nhiều thế hệ người Việt Nam để làm nên cuộc kháng chiến thần kỳ và Đại thắng mùa Xuân 1975, để cho đất nước được độc lập, nhân dân không còn cảnh chết chóc, đau thương “con xa cha, vợ xa chồng”, những bà mẹ không còn nước mắt để khóc cho những đứa con… Vì vậy, nếu ai đó, vì bất cứ lý do gì, lãng quên hay coi thường, xuyên tạc sự hy sinh, mất mát nói trên của nhân dân Việt Nam, tìm cách chống phá, gây mất ổn định, cản trở sự phát triển của Việt Nam, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc là có tội với nhân dân, với đất nước, với anh linh của hàng triệu đồng bào và chiến sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

       Khẳng định những giá trị sâu sắc của Đại thắng mùa Xuân năm 1975, cũng cần nhắc lại rằng, nhân dân Việt Nam chỉ khép lại quá khứ để cùng nhau xây dựng cuộc sống tươi đẹp chứ không bao giờ quên sự thật tàn bạo, phi nhân tính và tội ác mà thực dân, đế quốc và những thế lực do chúng nuôi dưỡng đã đàn áp cách mạng và nhân dân Việt Nam. Với cuồng vọng tiêu diệt lực lượng cách mạng ở miền Nam và “quyết đưa miền Bắc trở lại thời kỳ đồ đá”, đế quốc Mỹ đã tung vào nước ta một đội quân viễn chinh hơn 60 vạn (gồm quân Mỹ và quân của năm nước chư hầu của Mỹ) làm nòng cốt cho hơn 1 triệu quân ngụy; riêng về quân đội Mỹ, chúng đã huy động lúc cao nhất tới 68% bộ binh, 60% lính thủy đánh bộ, 32% lực lượng không quân chiến thuật, 50% lực lượng không quân chiến lược, kể cả “pháo đài bay-B52”. Mỹ đã dội xuống Việt Nam hơn 7,8 triệu tấn bom, gấp hơn 3 lần số bom đạn Mỹ sử dụng trong chiến tranh thế giới thứ hai và gấp 12 lần so với chiến tranh Triều Tiên; rải khoảng 85 triệu lít chất độc hóa học (chủ yếu dioxin); tiêu tốn 676 tỉ USD cho cuộc chiến tranh Việt Nam, đưa chiến tranh Việt Nam trở thành một trong những cuộc chiến “đắt tiền” nhất trong lịch sử nước Mỹ. Sự hao tốn này của Mỹ không phải để giải phóng cho nhân dân Việt Nam (như họ rêu rao), mà nhằm mục tiêu chiến lược là quét sạch chủ nghĩa cộng sản tại Việt Nam và Đông Dương, biến nơi đây thành thuộc địa, bàn đạp để thực hiện mưu đồ bá chủ thế giới. Vì vậy, chúng ta không cho phép bất cứ ai bưng bít cho sự tàn bạo của chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ đối với nhân dân Việt Nam và ngay cả nhân dân Mỹ cũng không thể chấp nhận và kịch liệt phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa chính nhà cầm quyền của họ tiến hành ở Việt Nam lúc bấy giờ. Từ đó, bóp méo, xuyên tạc giá trị của chiến thắng lịch sử Xuân 1975 mà cả dân tộc Việt Nam phải đổi bằng nước mắt và xương máu.

       Khẳng định giá trị, ý nghĩa và tầm vóc lịch sử của Đại thắng mùa Xuân năm 1975, chúng ta phải đấu tranh mạnh mẽ, phê phán, bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc sự thật lịch sử ngày chiến thắng. Những phần tử lưu vong phản quốc, bọn cơ hội chính trị, bất mãn thường tung ra những luận điệu xuyên tạc lịch sử dân tộc Việt Nam. Chúng gọi Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là “ngày quốc hận”. Một số kẻ còn lớn tiếng cho là, nếu không có ngày 30-4-1975 thì miền Nam Việt Nam ngày nay phát triển không hề thua kém Hàn Quốc, vượt xa Thái Lan, Singapore (vì Sài Gòn đã từng là “Hòn ngọc Viễn Đông”). Rằng, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta thực chất chỉ là “nội chiến”, “huynh đệ tương tàn” giữa hai miền Nam – Bắc, nên không có gì đáng tự hào! Họ còn nói rằng cuộc chiến tranh này “không có kẻ thua, người thắng, mà chỉ nhân dân là chịu thiệt thòi”; rằng cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta là “hoàn toàn vô nghĩa, lẽ ra dân tộc Việt Nam đã có thể tránh được cuộc chiến tranh này”. Họ còn lớn tiếng cho rằng, chiến thắng 30-4-1975 và sự nghiệp kháng chiến của dân tộc ta ròng rã mấy thập kỷ là cái giá phải trả quá đắt, là một sai lầm, làm cho dân tộc đau thương, chậm phát triển, trách nhiệm ấy họ quy cho Đảng ta, cho con đường mà Hồ Chí Minh lựa chọn… Đấy là những luận điệu phi lịch sử, muốn phủ nhận chiến thắng của nhân dân ta, phủ nhận cả lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội (CNXH) mà chúng ta đã lựa chọn, kiên trì theo đuổi, qua đó chúng phủ nhận vai trò lãnh đạo cách mạng, lãnh đạo đất nước của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phủ nhận sạch trơn mọi sự hy sinh của thế hệ cha ông để đất nước có được hòa bình, độc lập, thống nhất, hội nhập và phát triển như hôm nay.

       Chiến tranh đã lùi xa nhưng mỗi người mang trong mình dòng máu Lạc Hồng cần mãi ghi nhớ rằng: Hơn bất cứ một dân tộc nào trên thế giới, nhân dân Việt Nam luôn thiết tha với hòa bình, khát vọng tự do và hạnh phúc, không bao giờ muốn bất cứ một cuộc chiến tranh dù nhỏ xảy ra trên đất nước mình. Nhưng, vì sinh mệnh và sự tồn vong của dân tộc mà “kẻ thù buộc ta ôm cây súng”. Và Đại thắng mùa Xuân, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc năm 1975 là một thắng lợi của chính nghĩa, một thắng lợi không thể đảo ngược. Nếu ai đó xuyên tạc lịch sử, phủ nhận ý nghĩa, tầm vóc Ngày chiến thắng 30-4-1975 thì đó là những hành vi phản bội, có tội với đất nước, chà đạp lên tương lai dân tộc, nhất quyết phải bị trừng trị thích đáng.

       30/4 hàng năm thành ngày hội non sông, dân tộc Việt Nam là, Tổ quốc Việt Nam là một, không thể cắt rời.

       Dù khép lại quá khứ nhưng không được quên quá khứ, càng không thể phủ nhận và phỉ báng lịch sử. Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân Việt Nam cần hết sức tỉnh táo, hãy là một công dân thông minh biết sàng lọc thông tin, không phát tán, bình luận, chia sẻ những thông tin lịch sử không có kiểm chứng. Nhất là trong thời gian gần đây, xuất hiện một số ấn phẩm, thông tin, bình luận thiếu chính xác về việc ai là người soạn thảo lời tuyên bố đầu hàng cho Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn Dương Văn Minh trưa ngày 30/4/1975, để tạo sự thống nhất nhận thức cán bộ, đảng viên về bản chất của sự kiện, đấu tranh và phản bác thông tin, quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc về ý nghĩa sự kiện trọng đại 30 tháng 4 năm 1975, đồng chí Thường trực Ban bí thư Trung ương Đảng, Thường vụ Quân ủy Trung ương đã khẳng định tính khách quan và lịch sử: “Vào thời điểm trưa 30 tháng 4 năm 1975, sau khi trực tiếp chỉ huy việc áp giải Dương Văn Minh đến Đài phát thanh Sài Gòn; tại đây, đồng chí Đại úy Phạm Xuân Thệ, Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn 66, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 tổ chức soạn thảo lời Tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh. Văn bản đang được soạn thảo thì đồng chí Trung tá Bùi Văn Tùng, Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203, Quân đoàn 2 có mặt. Từ đó đồng chí Bùi Văn Tùng cùng bộ phận cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 66 tiếp tục soạn thảo và hoàn chỉnh lời Tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh đọc vào máy ghi âm để phát trên Đài phát thanh. Riêng lời Tuyên bố chấp nhận đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh do đồng chí Bùi Văn Tùng soạn thảo và trực tiếp đọc trên Đài phát thanh”.

       Ngày nay, mặc dù đất nước ta còn nhiều khó khăn, thử thách, các thế lực phản động, thù địch vẫn điên cuồng chống phá quyết liệt, song thế và lực của Việt Nam đang ở vào thời kỳ sung sức đầy triển vọng. Kỷ niệm 47 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm nay (30/4/1975-30/4/2022) là dịp toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc. Đồng thời phát huy tinh thần và hào khí của Đại thắng mùa Xuân 1975 để đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đi vào cuộc sống, phấn đấu xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, cường thịnh, thực hiện thắng lợi mục tiêu cao cả của Đảng: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

TINH THẦN NGÀY CHIẾN THẮNG 30-4-1975 MÃI MÃI BẤT DIỆT!

XUÂN LƯU Tổng hợp

Bài viết khác