Thời gian gần đây, trên không gian mạng liên tục xuất hiện tin đồn về việc “sáp nhập các tỉnh thành”. Tuy nhiên, cần nhắc lại việc ngày 28/11/2024, Chánh Văn phòng Bộ, Người phát ngôn của Bộ Nội vụ đã ký Công văn số 7659/BNV-VP gửi Bộ Công an về việc sáp nhập các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Bộ Nội vụ đề nghị Bộ Công an chỉ đạo cơ quan an ninh mạng rà soát và xử lý các thông tin sai sự thật lan truyền trên mạng xã hội về việc sáp nhập 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành 31 đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Bộ Nội vụ khẳng định, đến thời điểm đó, chưa có đề xuất nào về việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh. Việc sáp nhập tỉnh là một vấn đề quan trọng, cần được nghiên cứu kỹ lưỡng và phải dựa trên chủ trương của Đảng, xem xét các yếu tố như an ninh quốc phòng, vị trí địa chính trị, quy hoạch vùng và văn hóa cộng đồng dân cư. Bộ Nội vụ nhấn mạnh rằng những thông tin không chính xác này đã gây hoang mang dư luận và ảnh hưởng đến sự ổn định xã hội, do đó cần được xử lý nghiêm túc.
Theo nội dung Kết luận số 126-KL/TW ngày 14/02/2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nhiệm vụ tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị năm 2025, chỉ có định hướng nghiên cứu việc bỏ cấp hành chính trung gian (cấp huyện) và xem xét sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, chứ chưa có quyết định cụ thể nào về việc sáp nhập các tỉnh như nội dung lan truyền.
Tính đến thời điểm hiện tại (ngày 25 tháng 02 năm 2025), Quốc hội chưa tổ chức bất kỳ cuộc họp nào, cũng như chưa ban hành bất kỳ thông báo hay quyết định chính thức nào về việc sáp nhập các tỉnh, thành. Những thông tin đang lan truyền về danh sách sáp nhập tỉnh là tin giả, sai sự thật.
Vì thế, người dân cần thận trọng và kiểm chứng thông tin từ nguồn chính thống trước khi chia sẻ các nội dung liên quan đến sáp nhập tỉnh hoặc thay đổi đơn vị hành chính. Việc lan truyền thông tin không chính xác có thể gây hoang mang dư luận và ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội.
Các trường hợp sử dụng mạng xã hội để đăng tải thông tin sai sự thật, giật gân câu view, gây hoang mang dư luận là hành vi vi phạm pháp luật. Theo Điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, hành vi này có thể bị xử phạt từ 10 đến 20 triệu đồng.
Dẫn nguồn Cờ đỏ TPHCM